BIÊN NIÊN SỬ KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN
Trước khi văn hóa và kiến trúc phương Tây tác động mạnh mẽ vào Nhật Bản, ta có thể hệ thống các thời kỳ kiến trúc Nhật Bản theo bảng biên niên sử sau đây:
- Thời tiền sử (từ khoảng năm 1.000 trước Công nguyên đến thế kỷ VI sau Công nguyên): gồm các thời kỳ Jomon (từ khoảng năm 1.000 trước Công nguyên đến 300 trước Công nguyên), Yayoi (từ khoảng năm 300 trước Công nguyên đến năm 250 sau Công nguyên), Kofun (250-538).
- Thời kỳ Asuka (538-710)
- Thời kỳ Nara (710-794)
- Thời kỳ Heian (794-1185)
- Thời kỳ Kamakura (1185-1336)
- Thời kỳ Muromachi (1336-1573)
- Thời kỳ Azuchi-Momoyama (1568-1603)
- Thời kỳ Edo (1603-1868)
- Thời kỳ Meiji (1868-1912)
ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA - XÃ HỘI NHẬT BẢN THỜI KỲ EDO
Thời kỳ Edo, hay còn gọi là thời kỳ Tokugawa, là một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản, kéo dài từ năm 1603 đến 1868. Thời kỳ Edo được đánh dấu bằng sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa, do Chinh di Đại Tướng quân (Sei-i Daishōgun, gọi tắt là Shōgun) Tokugawa Ieyasu (1543-1616) thành lập sau khi chiến thắng các thế lực quân sự đối lập, kết thúc thời kỳ nội chiến ở Nhật Bản, mở đầu cho một giai đoạn hòa bình kéo dài hơn 250 năm. Tokugawa Ieyasu chọn thành phố Edo (Giang Hộ, tức "cửa sông") làm trung tâm chính trị của đất nước nên thời kỳ này được gọi là Thời kỳ Edo, mặc dù thủ đô danh nghĩa vẫn nằm ở Kyoto (Tây Kinh), là nơi ở của Thiên hoàng Nhật Bản.
Tướng quân Tokugawa Ieyasu, người thành lập Mạc phủ Tokugawa mở đầu cho thời kỳ Edo (1603-1868) ở Nhật
Thời kỳ Edo được xem là thời kỳ đỉnh điểm của xã hội phong kiến Nhật Bản. Nho giáo truyền bá từ Trung Quốc sang Nhật Bản đến thời kỳ này đã gặp được một thể chế chính trị phù hợp. Nho giáo vốn coi trọng đạo lý, đạo nghĩa nên được tầng lớp võ sĩ đạo tôn sùng. Việc cai trị đất nước gắn liền với sự đề cao Nho học. Giáo dục phát triển mạnh, các trường học ý thức được sự phát triển kinh tế và văn hóa của phương Tây, và đến cuối thời kỳ đã có sự khuyến khích tiếp cận văn hóa phương Tây.
Phật giáo và Thần đạo (Shinto) đều quan trọng trong thời kỳ Edo. Phật giáo, kết hợp với Nho giáo, đưa ra tiêu chuẩn cho lối ứng xử trong xã hội. Mặc dù không có quyền lực chính trị hùng mạnh như trong các thời kỳ trước, Phật giáo vẫn được tầng lớp trên tin theo. Sự phân chia cứng nhắc của xã hội trong thời kỳ Edo thành các phiên, làng, phường, hộ gia đình đã giúp tái lập lại sự gắn bó với Thần đạo ở các địa phương. Thần đạo đưa ra chỗ dựa tinh thần cho những mệnh lệnh chính trị và là sợi dây buộc chặt cá nhân với cộng đồng. Thần đạo cũng giúp bảo tồn văn hóa dân tộc.
Vào thời kỳ Edo, tầng lớp bình dân đã tham gia đóng góp cho nền văn hóa Nhật Bản những yếu tố mới, văn hóa này được gọi là "văn hóa thị dân". Văn hóa thị dân (Chōnindō, lối sống người thành thị) là văn hóa của các tầng lớp thị dân, nghệ sĩ, kỹ nữ. Linh hồn của văn hóa này nằm trong một triết lý sống gọi là Ukiyo (Phù thế), nghĩa là phù sinh, vô thường, trôi nổi theo thời gian. Triết lý sống Ukiyo thể hiện tính phù du của cuộc đời phiêu dạt, được tầng lớp bình dân, và cả giới võ sĩ đạo tiếp nhận. Đấu vật (Sumo), kỹ nữ (geisha), âm nhạc, kịch nghệ (Kabuki), múa rối (Bunraku), thi ca, văn học, tranh "xuân họa" (shunga), những bản khắc gỗ (ukiyo-e) là những sản phẩm tiêu biểu cho nền văn hóa thị dân.
Sumo, Geisha, Kabuki, Bunraku - những sản phẩm của "văn hóa thị dân"
Hội họa thời kỳ Edo phát triển mạnh, ngoài những trường phái vẽ theo kiểu truyền thống như Kano, Tosa, Sumiyoshi còn có trường phái Ukiyo-e vẽ về hoa lá, cảnh vật, cuộc sống.
Tác phẩm "Sóng lừng ở Kanagawa" (Thần Nại Xuyên Lang Lý) của họa sĩ Katsushika Hokusai (1760-1849)
theo trường phái Ukiyo-e
Thời kỳ Edo kết thúc bằng sự thoái vị của vị Tướng quân thứ 15, Tokugawa Yoshinobu (1837-1913), chấm dứt chế độ Mạc phủ ở Nhật Bản. Thiên hoàng Minh Trị (Meiji) (1852-1912) phục hồi Đế quyền, thành phố Edo được đổi tên thành Tokyo (Đông Kinh, 1868), trở thành thủ đô chính thức của Nhật Bản. Thời kỳ Edo được xem là mở đầu cho thời kỳ cận đại ở Nhật Bản.
Tướng quan Tokugawa Yoshinobu (trái) và Thiên hoàng Minh Trị (phải)
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ
Vào thời kỳ Nara, Nhật Bản quy hoạch đô thị theo nguyên lý của Trung Quốc, trong đó thành Trường An với Hoàng cung nằm ở phía Bắc và hệ thống đường kẻ ô cờ theo 4 hướng Đông – Tây, Nam – Bắc trở thành mẫu mực cho quy hoạch đô thị Nhật Bản lúc bấy giờ. Kinh đô Nara của Nhật Bản (Heijo-kyo), được thành lập năm 710, có kích thước 5,7 x 4,2km với Hoàng cung đặt ở phía Bắc giống như đô thị Trường An thời nhà Đường. Vào thời kỳ Heian, kinh đô Kyoto (Heian-kyo, Bình An Kinh) ban đầu cũng được quy hoạch ngay ngắn, khúc chiết theo mặt bằng hình học nghiêm ngặt kiểu Trung Quốc với Hoàng cung đặt ở phía Bắc, tiếp xúc cả hai trục đường chính Đông – Tây và Nam – Bắc, hệ thống đường phố được sắp xếp theo dạng ô cờ.
Sơ đồ quy hoạch thành phố Nara (trái) và Kyoto (phải) mô phỏng theo thành Trường An, Trung Quốc
Thời kỳ Edo, quy hoạch đô thị Nhật Bản không còn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch đô thị Trung Quốc. Mạc phủ Tokugawa (Tokugawa Shogunate) chọn thành phố Edo (thành lập năm 1600) làm nơi đặt thủ phủ. Thành phố Edo có mặt bằng theo kiểu vành đai, tán xạ (mạng nhện) với trung tâm là Cung điện Shogun. Mạc phủ Tokugawa thực hiện chế độ Luân phiên trình diện (Sankin kōtai) bắt các lãnh chúa (daimyo) và võ sĩ (samurai) cứ cách năm lại phải sinh sống tại Edo trong một năm, vì vậy dân số Edo gia tăng nhanh chóng. Gia đình thuộc các tầng lớp trên nếu người chủ gia đình đi vắng thì vợ con phải ở nhà, điều này nhằm duy trì sự trung thành của họ đối với Mạc phủ Tokugawa. Edo trở thành thủ đô chính trị của đất nước, dù Hoàng gia Nhật Bản vẫn sống ở Kyoto. Trung tâm thành phố là một lâu đài lớn (Cung điện Shogun), xung quanh là các tòa nhà cơ quan chính quyền và dinh thự, nhà ở cho các lãnh chúa và võ sĩ. Nhà ở cho thương nhân, thợ thủ công, nhà kho... phát triển ở vành ngoài xung quanh những công trình này và được kết nối bởi đường giao thông và kênh rạch. Đến năm 1721, Edo đã có hơn 1 triệu dân sinh sống, trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Mặt bằng thành phố Edo năm 1848
Mộc bản "Edo Nihonbashi" của họa sĩ Katsushika Hokusai (1760-1849) mô tả khu vực cầu Nihonbashi,
thành phố Edo. Lâu đài Edo và núi Phú Sĩ nằm ở phía xa
Một số thành phố khác như Kanazawa cũng được quy hoạch theo mô hình của Edo với trung tâm là lâu đài của lãnh chúa thuộc gia tộc Maeda.
NHÀ PHỐ THỊ
Nhà phố thị (machiya) là nơi cư trú của tầng lớp thị dân như thợ thủ công, thương nhân, kịch sĩ... Kiến trúc nhà phố thị, vốn đã xuất hiện từ thời kỳ Heian, được hoàn thiện trong thời kỳ Edo. Nhà phố thị thường chiếm không gian theo chiều sâu, chiều rộng tiếp xúc đường phố hẹp. Chiều rộng của khu đất thể hiện mức độ giàu có của chủ nhà. Các ngôi nhà thường được bố trí xưởng sản xuất, cửa hàng, phòng nghỉ ở mặt tiếp xúc đường. Các nhà kho và khu sinh hoạt của gia đình ở phần sau của ngôi nhà, các phòng được sắp xếp xung quanh khoảng sân trong. Mái nhà được lợp ngói thay cho tranh, lá để giảm nguy cơ hỏa hoạn. Đặc trưng của kiến trúc mặt tiền nhà phố thị Machiya là các mảng lam gỗ ở tầng trệt (Kōshi latticework), tường ngoài bằng đất ở tầng trên với cửa sổ kiểu Mushikomado và mái lợp ngói. Tiêu biểu có thể kể đến ngôi nhà Yoshijima ở thành phố Takayama.
Mặt bằng ngôi nhà Yoshijima (Takayama, 1784)
Vào thời kỳ Edo, các võ sĩ được yêu cầu thường trú tại những khu nhà riêng ở các đô thị nhằm đảm bảo sự bảo vệ cần thiết cho Tướng quân hoặc các lãnh chúa địa phương. Các khu nhà này được gọi là Bukeyashiki hoặc Samuraiyashiki, được xây dựng xung quanh lâu đài của các lãnh chúa. Quy mô và vị trí một căn nhà được xác định bằng bảng xếp hạng của võ sĩ đó trong hệ thống đẳng cấp. Việc xây dựng các căn nhà này phải tuân theo những quy định chặt chẽ, ví dụ như kích thước cột và cửa được sử dụng phải phù hợp với thứ hạng của võ sĩ đó. Các võ sĩ có thứ hạng càng cao thì ngôi nhà nằm càng gần lâu đài, quy mô nhà cũng lớn hơn với các căn phòng rộng rãi và sân vườn lớn. Các võ sĩ có thứ hạng càng thấp thì ngôi nhà khiêm tốn và cách xa lâu đài hơn. Nhà thường chỉ bao gồm một tầng, các căn phòng được trải thảm tatami, kiến trúc đơn giản, hòa vào sân vườn xung quanh. Nhà có tường bao xung quanh khu đất với cổng vào theo kiểu Nagayamon để phân biệt với nhà của thường dân. Tiêu biểu có thể kể đến các khu nhà ở các thành phố Kanazawa, Hagi.
Khu nhà ở cho giới võ sĩ ở thành phố Kanazawa
Cổng vào theo kiểu Nagayamon ở khu nhà ở cho giới võ sĩ ở Okunoto
NHÀ NÔNG THÔN
Nhà nông thôn (minka) bao gồm những công trình từ cơ ngơi của trưởng làng đến căn nhà nhỏ của những người nông dân. Kiến trúc nhà nông thôn thay đổi theo vùng miền và niên đại xây dựng. Nhà nông thôn có nguồn gốc từ các kiểu nhà Tateana và Heichi jukio của thời xa xưa. Nhà được phân chia thành hai khu: khu nền nhà thấp trên nền đất và khu nền nhà cao trên nền gỗ. Khu nền nhà thấp trên nền đất là nơi làm việc và nấu nướng. Khu nền nhà cao nằm trên nền gỗ, thường được trải thảm, là nơi đặt phòng sinh hoạt và các phòng ở. Tiêu biểu có thể kể đến ngôi nhà Yoshimura ở Habikino, Quận Osaka.
Mặt trước ngôi nhà Yoshimura (Habikino,Osaka, 1615)
Nhà nông thôn trên khắp Nhật Bản đều có cấu trúc gần như tương tự nhau. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền, để thích ứng với các điều kiện khí hậu và sinh sống khác nhau, người ta đã xây dựng những ngôi nhà mang các đặc điểm riêng biệt về hình dáng nhà và kiểu mái. Có thể kể đến:
- Nhà theo phong cách Gassho có mái dốc cao được xây dựng ở những vùng nhiều tuyết như Quận Gifu, Toyama.
Nhà nông thôn theo phong cách Gassho


Nhà theo phong cách Gassho ở làng Ogimachi, Shirakawa-go
Nhà theo phong cách Magariya
- Nhà theo phong cách Kudo có hình chữ U được xây dựng ở Quận Saga (Kyushu) nhằm chống lại những trận cuồng phong từ vùng biển phía nam Nhật Bản, mái nhà hình chữ U có đặc điểm khí động học để lùa gió sang hai bên hông nhà.
Nhà theo phong cách Kudo
- Nhà theo phong cách Honmune có mái nhà lợp ván và đặt đá lên mái để chống trượt, gợi lên hình ảnh "chim se sẻ múa", được xây dựng ở Quận Nagano (Shinshu).
Ngôi nhà Misawa theo phong cách Homune ở Nagano
- Nhà theo phong cách Totsukawa ở vùng biên giữa Wakayana và các quận gần Nara có mái ván và những tấm chắn dưới mái hiên để bảo vệ ngôi nhà tránh những trận mưa tuyết nặng trong vùng.
Nhà theo phong cách Totsukawa
NHÀ KHO
Thành phố Edo thường phải đối mặt với các đám cháy, và vụ đại hỏa hoạn Meireki năm 1657 đã tạo ra một bước ngoặt trong thiết kế đô thị. Ban đầu, nhằm mục đích hạn chế cháy lan, chính quyền đã cho xây dựng các kè đá cao chạy dọc theo sông tại ít nhất hai địa điểm trong thành phố. Sau đó, các bờ kè đã được dở bỏ và thay thế bằng các nhà kho Dōzō (earthen dōzō kura), được sử dụng cho cả hai mục đích là cản lửa và lưu trữ hàng hóa bốc dở từ kênh rạch.
Các nhà kho Dōzō được xây dựng bằng kết cấu khung gỗ. Các bức tường trong và ngoài đều được làm từ đất sét, tường trong được tô vữa hoàn thiện, tường ngoài có lớp vữa dày hơn để chống cháy. Mặc dù đất sét có tác dụng chống cháy, nhưng nó lại dễ bị hư hỏng bởi mưa và các tác động vật lý khác. Một số nhà kho sử dụng gạch để xây phần chân tường, gạch được xây theo kiểu đặt ngang hoặc xiên, sử dụng vữa để gắn kết. Tường nhà kho thường được quét vôi trắng. Trần làm bằng vật liệu chống cháy. Mái lợp ngói đen Hongawara buki. Cửa sổ được bố trí ở trên cao, thường xuyên mở để thông gió, có gắn các thanh song sắt để ngăn chặn đột nhập. Trong một số trường hợp, công trình được nâng lên khỏi mặt đất để ngăn sâu bọ, côn trùng xâm nhập. Ngoài Edo, kiến trúc nhà kho Dōzō cũng xuất hiện phổ biến ở các đô thị khác của Nhật Bản, đặc biệt là các thành phố công nghiệp, thương mại lớn như Osaka, Kurashiki.
Một số kiểu nhà kho
Chi tiết cửa sổ nhà kho cho thấy độ dày của bức tường
Ngoài các nhà kho Dōzō được xây bằng khung gỗ và tường đất, người ta còn xây các nhà kho bằng đá (ishigura). Có hai loại nhà kho bằng đá: một loại sử dụng tường chịu lực hoàn toàn bằng đá, và một loại sử dụng khung gỗ có tường đá bao bọc xung quanh để chống cháy. Những nhà kho bằng đá thường được xây dựng để chứa vũ khí, đạn dược ở các lâu đài. Nhà kho bằng đá cũng được các thương nhân người Hà Lan xây dựng ở khu phố Dejima (Nagasaki) trong thời kỳ Edo theo cấu trúc khung gỗ có tường đá bao bọc xung quanh.
Một nhà kho bằng đá ở Tochigi
CH Nhật Bản Hachi Hachi
Theo: homeclick . vn